Sự khác biệt giữa cây cẩm tú cầu thân gỗ và cẩm tú cầu thân thảo là gì? Hoa của cây cẩm tú cầu thân gỗ và cẩm tú cầu thân thảo nhìn tương đối giống nhau nhưng khác nhau về bản chất. Cây cẩm tú cầu thân gỗ hoa có màu chủ đạo là màu trắng và là thân cây gỗ. Trong khi đó cây cẩm tú cầu thân thảo là loại cây thân thảo và hoa có rất nhiều màu sắc sặc sỡ như trắng, hồng, xanh, tím,… Bài viết dưới đây mình sẽ giúp các bạn tìm hiểu sâu hơn về cây cẩm tú cầu thân gỗ và nêu sự khác nhau giữa 2 loài cẩm tú cầu này nhé.
Giới thiệu về cây cẩm tú cầu thân gỗ
Cây cẩm tú cầu thân gỗ là một loại hoa nhập khẩu mới được biết đến rộng rãi hơn trong thời gian gần đây. Ở Việt Nam, người ta biết đến và quan tâm tới loài hoa này thông qua những video nổi bật xuất phát từ các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, chúng đẹp lay động lòng người khiến cho những người yêu hoa mong muốn được sở hữu sưu tầm. Chính vì vậy khoảng đầu năm 2023 một số nhà vườn lớn đã bắt đầu nhập khẩu cây cẩm tú cầu thân gỗ từ Trung Quốc về để nhân giống và một số ít bán lẻ cho người chơi.
Mặc dù vậy thì với một số ít người đam mê trồng hoa và sưu tập giống cây mới lạ lâu năm, loài cây cẩm tú cầu thân gỗ này không còn quá mới lạ, thậm chí họ đã sở hữu từ vài năm trước rồi. Một số người chuyên buôn bán cây cảnh ở cửa khẩu như Lào Cai từ vài năm trước họ đã quan tâm và đưa cây cẩm tú cầu thân gỗ chịu nhiệt về bán sỉ, bán lẻ nhưng với số lượng không nhiều, lẻ tẻ do loài cây này còn ít người biết đến. Chỉ đến đầu năm 2023, khi những video triệu view về cây cẩm tú cầu thân gỗ từ Trung Quốc được lan truyền rộng rãi thì nhiều người biết đến hơn và những người buôn cây lớn ở các làng hoa như Xuân Quan, Hưng Yên bắt đầu vào cuộc và dần đưa loài cây này nhập về Việt Nam với số lượng lớn hơn.
Tên gọi, nguồn gốc của cây cẩm tú cầu thân gỗ
Cẩm tú cầu thân gỗ (tên khoa học: Viburnum macrocephalum Fortune), thuộc chi Viburnum của họ Lonicaceae, có tổng cộng 3 giống là Viburnum macrocephalum (biến thể gốc) và Viburnum macrocephalum.
Cẩm tú cầu thân gỗ được coi là cây bản địa của Trung Quốc, các ghi chép lịch sử về loài hoa này lần đầu tiên xuất hiện vào thời nhà Tống thông qua 2 bài thơ. Tiếp đến triều Nguyên, Minh, Thanh đều có những bài thơ ca ngợi nó. Vương Sĩ Chân (1526-1590) của triều đại nhà Minh đã ghi lại trong một cuốn sách đã mô tả chi tiết các đặc tính của cây cẩm tú cầu thân gỗ. Vào thời Khang Hy và Ung Chính của triều đại nhà Thanh, trong cuốn sách tuyển tập sách cổ và hiện đại về Cỏ và cây (1725) do TChen Menglei và những người khác biên soạn đã có chú thích về tên của cây cẩm tú cầu thân gỗ.
Đặc điểm của cây cẩm tú cầu thân gỗ
- Đặc điểm hình thái của cây cẩm tú cầu thân gỗ: tất cả các loài đều là cây bụi rụng lá hoặc bán thường xanh, cao tới 4 mét. Cành lan rộng, tán hình bán cầu. Chồi, cành và cuống lá của cây cẩm tú cầu thân gỗ được bao phủ bởi lông hình sao màu trắng nhạt hoặc trắng vàng. Lá cây đơn mọc đối, hình trứng hoặc elip, đỉnh tù, gốc tròn, mép có răng cưa mịn, mặt dưới có thưa lông hình sao. Hoacẩm tú cầu thân gỗ hình cầu lớn, màu trắng hoặc chuyển từ xanh sáng trắng.
- Đặc điểm sinh thái của cây cẩm tú cầu thân gỗ: đây là loài ưa sáng, ưa khí hậu ấm ẩm, hơi chịu bóng, khá mạnh mẽ, có khả năng chịu lạnh và chịu hạn. Nó có thể thích nghi với mọi loại đất nói chung, nhưng sẽ sinh trưởng tốt nhất trong đất màu mỡ và đủ ẩm. Khả năng nảy mầm và đẻ nhánh khá mạnh. Khi cắt tỉa cây cẩm tú cầu thân gỗ chú ý duy trì thế cây tròn trịa sẽ đẹp hơn, nếu bón phân và tưới nước thích hợp thì hàng năm cây sẽ ra hoa và phát triển tốt.
- Đặc điểm sinh sản: cây cẩm tú cầu thân gỗ là loài hoa vô sinh, không đậu quả nên thường được nhân giống bằng phương pháp giâm cành, chiết cành và ghép cành. Giâm cành thường được thực hiện vào mùa thu và đầu mùa xuân.
Sự khác nhau giữa cây cẩm tú cầu thân gỗ và cây thân thảo
Khi nhắc đến hoa cẩm tú cầu chắc hẳn hầu hết mọi người đều sẽ tưởng tượng ra những bông hoa hình cầu to, nhiều màu sắc sặc sỡ của loài tú cầu thân thảo truyền thống. Và với nhiều người thì loài cẩm tú cầu thân gỗ còn khá mới lạ, thậm chí chưa từng được nghe qua. Vậy ngoài tên gọi chung là “cẩm tú cầu” thì 2 loài này có điểm gì giống và khác biệt, mình cũng tìm hiểu nhé.
- Về tên gọi:
Cả 2 loài đều có tên gọi chung là cẩm tú cầu, tuy nhiên loài thân thảo phổ biến hơn cả, và là một loại thân thảo có tên khoa học là Hydrangea có nguồn gốc từ Nhật Bản nên còn được biết đến với tên gọi là cẩm tú cầu Nhật Bản. Trong khi đó, cẩm tú cầu thân gỗ là loại cây thân gỗ lâu năm nên rất dễ phân biệt giữa 2 loài này.
- Về màu sắc:
Cây cẩm tú cầu thân gỗ chỉ có một màu đơn độc là màu trắng, khi hoa còn nhỏ có màu xanh sau đó chuyển dần sang màu trắng. Trong khi đó, cẩm tú cầu thân thảo có nhiều màu sắc hoa rự rỡ, màu sắc còn thay đổi tuỳ thuộc vào độ PH của đất trồng.
- Về đặc điểm sinh trưởng:
Cây cẩm tú cầu thân gỗ có khả năng chịu lạnh, chịu hạn rất tốt, khả năng thích ứng mạnh, chúng có thể thích nghi với nhiều loại thổ nhưỡng, cây rất lớn nên thường được trồng làm cây bóng mát. Trong khi đó loài thân thảo có chiều cao trên dưới 1m, phù hợp trồng hàng rào, trong chậu hay cạnh lối đi.
Kết luận: nếu yêu thích hoa cẩm tú cầu, bạn hoàn toàn có thể sưu tầm, trồng thêm loài hoa cẩm tú cầu thân gỗ để thoả mãn đam mê. Chúng có hình dạng bông khá giống với loài thân thảo truyền thống nhưng loài cây cẩm tú cầu thân gỗ trồng trong khuôn viên, cảnh quan rất đẹp. Chúc các bạn thành công!