Trong hàng trăm giống hồng cổ, hồng ngoại khác thì hồng cổ sapa luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng người yêu hoa hồng bởi hoa hồng cổ sapa không chỉ đẹp mà còn mang các đặc tính của một giống hồng khoẻ, sai hoa, vòng hoa lặp nhanh,… Bởi vậy, thật không quá khi nói hồng cổ sapa là một trong những giống hồng đáng được sở hữu, nên có ít nhất một cây trong vườn.

Hình ảnh cây hoa hồng cổ sapa khoe sắc thắm dưới ánh nắng vàng
Đôi nét về hồng cổ sapa
Hoa hồng cổ sapa là cái tên có thể nói là nổi tiếng bậc nhất trong các loài hoa hồng nói chung và hoa hồng cổ nói riêng. Vậy mình cùng tìm hiểu đôi chút về nguồn gốc và tên gọi của loài hoa hồng được ưa chuộng nhất này nhé.
Nguồn gốc tên gọi hồng cổ sapa
Hồng cổ sapa thực chất là một giống hồng ngoại được người Pháp mang sang trồng tại các dinh thự trên Sapa trong quãng thời gian xâm chiếm Việt Nam, do vậy cái tên “hồng cổ sapa” ra đời. Ngoài ra do không biết chính xác tên gọi cũng như nguồn gốc ra đời của hồng cổ sapa mà chỉ biết do người Pháp mang sang nên người ta còn gọi chúng với cái tên “hoa hồng Pháp”
Nguồn gốc, tên tiếng anh của hồng cổ sapa
Hoa hồng cổ sapa thực chất là một giống hồng cổ của Anh được lai tạo vào năm 1901 bởi ông Benjamin R. Cant & Sons có tên tiếng Anh là Mrs. B.R. Cant Rose. Trong đó B viết tắt của Benjamin R.Cant là tên của ông, Mrs là bà Benjamin R.Cant – vợ ông.

Hoa hồng cổ sapa thuộc top đầu những bông hồng cổ có đường kính bông to, phom hoa cúp màu hồng cánh sen rất đẹp
Hoa hồng cổ sapa có mấy màu?
Nhiều bạn mới tìm hiểu về hoa hồng thường băn khoăn hoa hồng cổ sapa có mấy màu? Hoa hồng cổ sapa chỉ có một màu duy nhất là màu hồng cánh sen đậm. Tuy nhiên tuỳ điều kiện thời tiết như nhiệt độ, ánh nắng, dinh dưỡng mà bông hoa hồng cổ sapa có nở chuẩn màu hồng cánh sen đậm không hay màu sẽ nhạt hơn.
Trên cùng một cây, các lứa hoa hồng cổ sapa có thể có màu sắc đậm nhạt khác nhau, phom hoa mùa đông khác mùa hè. Thậm chí tại cùng một thời điểm, trên cùng một cây, thì bông hoa hồng cổ sapa nở trước vào những ngày trời nắng cũng sẽ đậm màu hơn bông nở sau vào những ngày trời âm u, ít nắng.

Hàng trăm bông hoa hồng cổ sapa đang khoe sắc trong khuôn viên trường học
Hoa hồng cổ sapa có phải hồng leo cổ sapa không?
Hoadepviet.com nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gọi về hỏi rằng: hoa hồng cổ sapa có phải hồng leo cổ sapa không? Câu trả lời chính xác chúng là hai giống hoàn toàn khác nhau và đều có nguồn gốc từ Sapa nên cùng được đặt tên gắn liền với địa danh này.
- Trong đó hoa hồng cổ sapa là giống hồng bụi, bông to, hoa quanh năm còn hồng leo cổ sapa lại là giống hồng leo, bông nhỏ, hoa chùm và hoa chỉ nở một mùa.
- Hoa hồng cổ sapa hiện tại được nhân giống, trồng phổ biến, rộng rãi khắp cả nước từ miền núi cho đến hải đảo, khắp nơi đều có thể dễ dàng tìm kiếm một cây hoa hồng cổ sapa. Ngược lại, hồng leo cổ sapa chỉ ưa khí hậu mát mẻ bốn mùa như Sapa nên chúng không được trồng phổ biến, hơn nữa hoa lại chỉ nở một mùa nên cũng không được ưa chuộng. Có thể nói hồng leo cổ Sapa là đặc sản của vùng đất này mỗi mùa hoa đến.

Hàng rào hoa hồng cổ sapa đẹp rực rỡ với hàng trăm bông hoa khoe sắc thắm

Hồng leo cổ sapa khoe sắc rực rỡ nơi đỉnh Fansipan
Đặc điểm của hoa hồng cổ sapa
Hoa hồng cổ sapa có những đặc tính gì mà được người người yêu thích, và bất cứ người yêu hoa hồng nào cũng ít nhất từng mong muốn tìm mua để trồng, mình cùng tìm hiểu nhé:
- Đặc tính cây: Hoa hồng cổ sapa là loại cây bụi, cành mầm cổ sapa nằm trong top đầu những giống hoa hồng có khả năng bật dài và khoẻ (trung bình khoảng 20-30cm) nên với điều kiện chăm sóc tốt thì cây hoa hồng cổ sapa lớn khá nhanh. Cũng chính với khả năng bật mầm khoẻ, dài nên hoa hồng cổ sapa có thể đào tạo thành những giàn hoa leo hàng rào vô cùng đẹp mắt, thậm chí có thể tạo nên những vòm hoa mà tưởng rằng chỉ những giống hoa hồng leo mới có thể làm được.
- Màu sắc: bông hoa hồng cổ sapa có màu hồng cánh sen đậm. Tuy nhiên nếu cây đóng nụ, nở hoa vào thời điểm thời tiết mưa kéo dài, ít nắng thì bông hoa hồng cổ sapa sẽ có màu hồng cánh sen nhạt. Hoặc khi cây trồng ở ban công, ở nơi chỉ có ánh sáng khuyêch tán thì màu hoa cũng sẽ không đậm bằng trồng nơi có ánh sáng chiếu trực tiếp.
- Số lượng cánh: bông hoa hồng cổ sapa là giống hồng bông khá to, nhiều cánh, số lượng cánh trung bình trong khoảng 17-25 cánh.
- Kích thước cây trung bình: theo công bố của nhà tạo giống thì cây hoa hồng cổ sapa có kích thước trung bình từ 185-275 cm, đường kính tán từ 1.2-3.65m. Tuy nhiên, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều cây hồng cổ sapa có kích thước lớn hơn đó nhiều.
- Khả năng kháng bệnh: cây hoa hồng cổ sapa có khả năng kháng bệnh tương đối tốt nên khá dễ trồng, dễ chăm sóc.

Do đặc tính vươn mầm khoẻ, dài nên cây hoa hồng cổ sapa cũng có thể đào tạo, nuôi trở thành vòm hồng leo đẹp

Hình ảnh vườn hoa hồng cổ sapa đang nở rộ khoe sắc rực rỡ
Hồng cổ sapa thân gỗ là gì?
Các cây hồng một thân có hình dáng như những chiếc ô được gọi là hồng thân gỗ. Hoa hồng cổ sapa cũng vậy, có hai loại là hồng cổ sapa thân gỗ ghép và hồng cổ sapa thân gỗ nguyên bản.
- Hoa hồng cổ sapa thân gỗ ghép: là cây hồng hồng được tạo nên bằng cách ghép hồng cổ sapa trên các gốc cây hồng tầm xuân hay các cây hồng giống khác có đặc điểm chung là thân thẳng, cao và chỉ có một thân chính. Nói cách khác tán trên của cây là hoa hồng cổ sapa, phần thân gốc bên dưới là một giống hồng khác.
- Hoa hồng cổ sapa thân gỗ nguyên bản: thực chất là một cây hồng cổ sapa dáng bụi được cắt bỏ các cành nhánh, cành gốc phụ chỉ giữ lại một cành chính có đặc điểm thẳng, dài, mập mạp để nuôi tán tạo thành cây hồng cổ sapa một thân. Trong quá trình nuôi tạo cây hồng cổ sapa thân gỗ nguyên bản thì các mầm nhánh mọc tại thân đó cũng cần vặt bỏ để giữ được dáng thân gỗ và giúp cây hồng cổ sapa tập trung dinh dưỡng nuôi tán.

Cây hoa hồng cổ sapa thân gỗ như chiếc ô hoa khổng lồ thu hút mọi ánh nhìn

Cây hồng cổ sapa thân gỗ khoe sắc trước sân nhà vào dịp tết nguyên đán 2023
Cách trồng hồng cổ sapa
Cách trồng hoa hồng cổ sapa chúng ta cần lưu ý đặc biệt đến 2 yếu tố đó là ánh nắng và đất trồng. Riêng 2 yếu tố này sẽ quyết định ít nhất 50% việc bạn trồng cây hoa hồng cổ có thành công để cây khoẻ, sai hoa, bông to được không đó.
- Ánh nắng: cách trồng hồng cổ sapa cũng như hầu hết các loại hoa hồng khác, không có sự khác biệt. Đều cần trồng nơi có nhiều nắng, nắng chiếu trực tiếp trên 6 giờ, tốt nhất là trồng ở sân, vườn không có mái che, không bị che nắng với cây to khác. Ánh nắng đầy đủ sẽ giúp bông hoa hồng cổ sapa có màu sắc đẹp nhất, đồng thời cũng hạn chế được bệnh cho cây.
- Đất trồng: đất trồng hoa hồng cổ sapa cần tơi xốp, thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng để cây có thể phát triển tốt nhất. Nên trộn 60% đất thịt cùng với trấu hun (vỏ lạc, vỏ đổ), mụn dừa, phân hữu cơ đã xử lý (phân gà, phân bò,…). Trong đó, trấu hun hoặc vỏ lạc, vỏ đỗ giúp đất tơi xốp, còn mụn dừa giúp giữ ẩm cho đất giúp cho bộ rễ cây hoa hồng cổ sapa phát triển tốt nhất.

Vườn hoa hồng cổ sapa thân gỗ tuyệt đẹp
Cách chăm sóc hồng cổ sapa
Việc chăm sóc hồng cổ sapa cũng như hầu hết các giống hoa hồng khác, không có điểm gì đáng lưu ý đặc biệt cả. Việc chăm sóc cây cần lưu ý nước tưới, sâ
- Nước tưới: hoa hồng cổ sapa không chịu được hạn nhưng cũng không chịu được úng. Vì vậy khâu chuẩn bị đất trồng khá quan trọng, đất tơi xốp sẽ giúp thoát nước tốt. Trời mùa hè nắng nên tưới cho cây hoa hồng cổ sapa mỗi ngày một lần vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh tưới sáng nay nhưng chiều mai mới tưới lại bởi mùa hè nước bốc hơi nhanh, đất mau khô. Mặc dù là ngày nào cũng tưới nhưng thời gian lại kéo dài lâu khiến cây hoa hồng cổ sapa thiếu nước dẫn đến tình trạng vàng lá sau 2-3 ngày.
- Bón phân: nên bổ sung phân hữu cơ cho cây hoa hồng cổ sapa khoảng 2-3 tháng 1 lần, và kết hợp với bón phân vô cơ (NPK như đầu trâu,..) Việc chỉ bón duy nhất phân hữu cơ sẽ khiến cây bị thiếu chất do phân hữu cơ phải cần vi sinh vật phân giải thành các chất dinh dương để cây hấp thu mất một khoảng thời gian. Trong khi vòng lặp hoa của cây hồng cổ sapa chỉ 40-45 ngày một lứa hoa. Do vậy bạn cần bổ sung thêm phân tổng hợp NPK 10 ngày một lần theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Sâu hại: hoa hồng cổ sapa chủ yếu là bọ trĩ vào mùa hè, nhện đỏ vào mùa đông. Cách tốt nhất để hạn chế sự xuất hiện và gây hại của chúng lên cây hoa hồng cổ sapa là tạo không gian thông thoáng, không nên trồng/đặt chậu quá dầy. Thường xuyên cắt tỉa cành tăm, cành vô hiệu không có khả năng cho hoa để tán cây hồng cổ sapa được thông thoáng.
- Bệnh hại: cây hoa hồng cổ sapa có thể bị bệnh đốm lá, đen thân vào mùa mưa. Bạn nên phun phòng bệnh cho cây bằng thuốc sinh học/hoá học ít nhất 1 tháng 1 lần là tốt nhất. Khi cây hồng cổ sapa bị nhiễm bệnh nặng thì nên tập trung trừ bệnh hại bằng cách tăng tần xuất phun thuốc lên 7 ngày 1 lần để cây khỏi bệnh sau đó mới quay lại duy trì phun phòng bệnh cho cây.
Một cách khá đơn giản, sạch, hữu hiệu trong việc phòng bệnh cho cây hoa hồng cổ sapa đó là phun phòng bằng nước vôi trong tuần 2-3 lần.

Một chiếc hàng rào hoa hồng cổ sapa vô cùng hút mắt người qua đường
Các bạn tham khảo video dưới đây để thực hiện phun nước vôi trong cho cây hoa hồng cổ sapa: https://youtu.be/GBg6lN3mQPo
Mời các bạn cùng ngắm thêm những hình ảnh vô cùng đẹp của loài hoa hồng cổ đẹp này – hồng cổ sapa:

Hình ảnh cây hoa hồng cổ sapa thân gỗ nổi bật một góc vườn

Hình ảnh một cây hồng cổ sapa thân gỗ cỡ nhỏ trong vườn

Vườn hoa hồng cổ sapa thân gỗ nổi bật trên nền ruộng lúa xanh ngát

Hình ảnh cây hoa hồng cổ sapa thân gỗ tuyệt đẹp

Hàng rào hoa hồng cổ sapa khoe sắc khiến bao người đi đường trầm trồ, suýt xoa

Hình ảnh hoa hồng cổ sapa khoe sắc thắm trên ban công chung cư
Chúc các bạn trồng hoa hồng cổ sapa thành công!